THIÊN NHIÊN LÀ NƠI NUÔI DƯỠNG TỐT NHẤT CHO TRẺ
Rất nhiều những năm trước, ở các đất nước phương Tây tiên tiến, chúng ta dễ dàng thấy sân chơi của lũ trẻ là những đồ chơi bằng nhựa hay kim loại được định hình chức năng sẵn có như cầu trượt, xích đu, đu quay… Những sân chơi như vậy phổ biến đến mức nó như một kiểu mẫu cho việc thiết kế sân chơi ở công viên, trường học. Những năm đó, người lớn thật bận rộn và luôn lo sợ cho sự an toàn của những đứa trẻ, chính vì vậy, họ thiết kế ra những đồ chơi bằng nhựa, có rào chắn để đảm bảo cho sự an toàn của những đứa trẻ, để bố mẹ có thể ngồi làm việc của mình và vẫn tin rằng đứa trẻ của mình đang an toàn trên sân chơi phía đằng kia. Thế nhưng chính những đồ chơi cố định đó đã vô tình cướp đi những khoảnh khắc sáng tạo của trẻ, khi mà chúng không thể làm gì khác ngoài đúng mục đích mà đồ chơi đó mang lại.
Nhiều năm sau, với những nghiên cứu và quan sát kĩ càng hơn về đứa trẻ, chúng ta dần nhận ra sự đóng khung của người lớn dành cho những đứa trẻ là không cần thiết, là sự TRỞ NGẠI. Và thế là ở các sân chơi dần thay thế những chiếc cầu trượt bằng nhựa có rào chắn kiên cố bằng những đồ chơi thiên nhiên không có chung mục đích như các thanh gỗ được chồng lên nhau, một số những viên gạch, những tảng đá mấp mô, lốp xe, bùn cát tự nhiên... Đó là những đồ chơi mà trẻ có thể tự ghép nối với nhau thành bất cứ gì chúng muốn. Rồi những khu vận động mang hơi hướng để cho trẻ những trải nghiệm thử thách hơn, kích thích hơn bắt đầu được xây dựng ở nhiều nơi.
Xã hội càng hiện đại, con người càng dễ thu mình lại bên trong 4 bức tường trong ngôi nhà kiên cố mà chúng ta xây nên. Chúng ta yêu con và mong muốn con trở thành người tự do – tự lập nhưng chúng ta lại không trao cho con sự tự do – tự lập đó một cách đúng đắn.
Chúng ta bao bọc và chở che QUÁ MỨC.
Chúng ta lo sợ những điều xấu sẽ xâm nhập vào cơ thể và tâm hồn của con chúng ta
Chúng ta nhốt chúng trong 4 bức tường – trước màn hình điện tử và thấy yên tâm rằng chúng sẽ không bị xâm hại.
Thậm chí khi chúng vô tình làm đau nhau, chúng ta sẽ lên án, dằn mặt 1 đứa trẻ đã vô tình làm đau con mình…
Chúng ta xù lông trước tất cả nhưng lại lười biếng việc dành cho con những khoảng thời gian chất lượng.
Ngày nay, rất dễ dàng để tìm thấy những đứa trẻ nói rằng: “Con không làm được đâu” khi được giao nhiệm vụ bất kì. Cũng rất dễ dàng để tìm thấy những đứa trẻ luôn cảm thấy cô đơn, không biết chơi gì, không có sự sáng tạo nào nếu phải chơi một mình. Tại sao và điều gì đã cướp khỏi đứa trẻ bản năng tò mò, luôn muốn thử khám phá cái mới, luôn nghĩ ra những trò chơi để tiêu khiển dù chỉ có một mình???
Tuổi thơ của con chỉ có một, và khi 1 ngày trôi qua thì nó thực sự không thể lấy lại được nữa ⬅.
Hãy tạm buông công việc xuống để nhìn con bạn, hãy tạm đặt điện thoại sang 1 bên để ôm lấy chúng. 30 phút 1 ngày để thực sự ở bên con – có lẽ không phải điều xa xỉ đúng không?
Hãy để con của bạn có thêm 1 ngày nữa được lớn lên bên dưới ánh nắng mặt trời, được nếm thử mùi nồng của đất trong những cơn mưa. Ai chẳng phải ốm để lớn lên, ai chẳng muốn tuổi thơ của mình được rong ruổi đổ mồ hôi dưới cái nắng và tắm mình trong những cơn mưa ngày hè.
Hãy để con của bạn thêm 1 ngày được đi đôi chân trần chạy trên nền đất nếu chúng muốn.
Hãy để con của bạn học cách vượt qua nỗi đau mà ai đó mang lại cho chúng. Yêu con là khi bạn ở bên cạnh con để sẻ chia những nỗi đau với con, bạn không cần là người thay con giải quyết vấn đề.
Hãy để cho con bạn được tự do sáng tạo bằng những đồ chơi không có mục đích, bạn sẽ thấy rằng chúng quả thực là những nhà sáng tạo, kiến trúc sư tuyệt vời mà thượng đế đã ban cho chúng ta.
METI - Trung tâm tư vấn và đào tạo Montessori Việt Nam
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, vui lòng Share và ghi nguồn. Cảm ơn các bạn